Điện ảnh Ấn Độ 'cày' nhiều kiếm chẳng bao nhiêu
Với 1.500 đến 2.000 phim ra đời mỗi năm, Ấn Độ là quốc gia có ngành công nghiệp điện ảnh lớn nhất thế giới, tính theo sản lượng. Người Ấn cũng nổi tiếng là "cuồng" phim và say mê các ngôi sao điện ảnh nội địa. Tuy nhiên, doanh thu hàng năm của điện ảnh nước này chỉ quanh mức 2 đến 2,1 tỷ USD, bằng doanh thu phòng vé khu vực Bắc Mỹ mặc dù dân số gấp 3 lần.
So với Trung Quốc, doanh thu điện ảnh Ấn Độ cũng chỉ bằng một phần ba. Thậm chí, doanh thu của điện ảnh Ấn Độ có năm còn kém Nhật Bản, một đất nước chỉ bằng một phần mười dân số Ấn Độ. Có rất nhiều nguyên do được chỉ ra.
Đầu tiên, lượng phòng chiếu trên đầu người tại Ấn Độ khá thấp, với một phòng chiếu trên 96.300 dân. Trong khi Trung Quốc có một phòng chiếu trên 45.000 dân. Mỹ thì cứ 7.800 dân là có một phòng chiếu. Đó là chưa kể, có đến 10.000 rạp trên tổng số 13.000 rạp phim ở Ấn Độ chỉ có duy nhất một phòng chiếu. Những rạp phim một phòng chiếu thường khá cũ kĩ, giá vé chỉ bằng một nửa so với các hệ thống rạp nhiều phòng chiếu. Sự thiếu hụt trầm trọng phòng chiếu ở Ấn Độ là lý do nước này có lượng người "cuồng" phim rất lớn nhưng cũng không cách nào xem phim tại rạp.
Giá vé xem phim tại Ấn Độ cũng đang thuộc hàng thấp nhất thế giới, trung bình chỉ dao động từ 2,25 USD đến 3,8 USD. Chính phủ thậm chí còn can thiệp ổn định giá vé ở một số nơi. Đơn cử như tại Tamil Nadu, giá trần vé xem phim được quy định là 1,8 USD. Với giá trần này, việc kiếm lời từ làm phim khá mong manh. Giá vé thấp nhưng các công ty sản xuất phim tại Ấn Độ lại bị đánh thuế khá nặng vì phim được xem là hoạt động "phù phiếm", ngoài phạm vi dịch vụ cần thiết. Với lý do này, phim Ấn sẽ bị đánh loại thuế gọi là Thuế vui chơi giải trí (Entertainment Tax) cùng với Thuế dịch vụ.
Việc bị phân chia quá nhiều ngôn ngữ, khu vực hóa thị trường khiến điện ảnh Ấn Độ mất đi sức mạnh tổng thể. Điều này cũng đồng nghĩa chi phí sản xuất và tiếp thị cao hơn và lợi nhuận bình quân của phim Ấn cũng thấp hơn.
Doanh thu thấp của phim Ấn cũng đến từ nguyên nhân chủ quan là nội dung. Hầu hết các phim ra đời hàng năm chỉ tập trung cho sở thích thị trường nội địa với các màn nhảy múa hát hò đôi khi còn quan trọng hơn cốt truyện hay những tình tiết ít nội dung nhưng trở thành những trường đoạn lê thê chiếu chậm từng chân dung nhân vật. Trong một báo cáo được phát hành năm ngoái bởi Deloitte và Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Liên bang Ấn Độ (ASSOCHAM), nhóm nghiên cứu khuyến nghị các nhà làm phim Ấn Độ nên sản xuất những bộ phim có tính hấp dẫn toàn cầu hơn. Báo cáo cho rằng, điện ảnh nước này chưa tạo được những bộ phim có tính hấp dẫn cho khán giả quốc tế mà chỉ tập trung đáp ứng thị hiếu của khán giả nội địa hay những người nói tiếng Hindi sống ở ngoài Ấn Độ.
Theo nhiều dự đoán, phải đến 2020 thì công nghiệp điện ảnh Ấn Độ mới chạm được mốc 3,6 tỷ USD nếu duy trì phong độ tăng trưởng ổn định khoảng 11,5% mỗi năm.
Tuy nhiên, mọi chuyện không dễ dàng khi Bollywood, trụ cột của điện ảnh Ấn Độ đang trong tình trạng kém phong độ trong 3 năm trở lại đây. Một số hãng phim lớn của Bollywood thậm chí còn phá sản. Nhiều bộ phim được kỳ vọng sẽ gây tiếng vang lớn nhưng kết thúc trong lặng lẽ. "Raees" là phim doanh thu lớn nhất của Bollywood trong nửa đầu năm nhưng chi kiếm được 28,3 triệu USD, bằng một nửa phim doanh thu cao nhất năm 2016 của Bollywood là "Dangal". Một tác phẩm khác là "Tubelight" của Salman Khan được kỳ vọng trở thành "bom tấn" nhưng cuối cùng chỉ là "bom xịt" khi doanh thu chỉ bằng một nửa dự đoán.